TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 94 NĂM THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM (20/10/1930 - 20/10/2024)
Những dấu mốc lịch sử
quan trọng trong sự trưởng thành và phát triển của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ
Việt Nam.
Giai đoạn 1927 -
1930: Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là những người bị áp
bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nên luôn mong muốn được giải phóng và sẵn
sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu Pháp xâm lược Việt Nam, phụ nữ
đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du.
Tiêu biểu trong giai đoạn này, cả nước có 5 nhóm phụ nữ yêu nước được tổ chức
với nhiều hình thức hoạt động phong phú. Các tổ nhóm này vừa tham gia sinh
hoạt vừa âm thầm tuyên truyền hoạt động cách mạng.
Giai đoạn 1930 -
1936: Sau khi thành lập Đảng, từ ngày 14-31/10/1930, tại
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất, bên cạnh việc thảo
luận Luận Cương chính trị của Đảng, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết
về Phụ nữ vận động, trong đó đề ra nhiệm vụ phải tổ chức ra các đoàn
thể phụ nữ như "phụ nữ hiệp hội". Đồng thời
Trung ương Đảng đã đề ra Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội. Với
tính chất quan trọng như vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần
thứ nhất tháng 10/1930 đã đánh dấu quá trình hình thành tổ chức
Hội đầu tiên của phong trào phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Giai đoạn 1936 - 1939: Trước yêu cầu của
cách mạng, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương
tháng 8/1937 về công tác vận động phụ nữ đặt ra nhiệm vụ chống phát xít, chống chiến tranh bằng hình thức công khai, hợp pháp. Vì vậy,
tổ chức cách mạng của phụ nữ được đổi thành Hội phụ nữ Dân chủ. Hội đã
tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng về giải phóng phụ nữ, nam nữ
bình đẳng và tổ chức các hoạt động gắn với tính chất ngành nghề của phụ nữ để
đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi quyền lợi cho phụ nữ như: hội Ái hữu, hội
Truyền bá quốc ngữ.
Giai đoạn 1939 -
1941: Chiến tranh thế giới thứ hai bùng
nổ, Đảng chủ trương: "Vận động phụ nữ tổ chức các hội phụ nữ phản chiến,
các hội cứu tế, bảo an… để giúp đỡ nhau, chống đế quốc chiến tranh, đòi hoà
bình". Để phù hợp với tình hình, Hội lấy tên là Hội phụ nữ Phản đế.
Hội đã vận động chị em tham gia mít tinh, biểu tình, lập các hội cứu tế, bảo
an, tham gia chống bắt lính với khẩu hiệu chống đế quốc chiến tranh, đòi hoà
bình, đòi bồi thường chiến tranh. Phụ nữ thoát ly gia đình, tham gia hoạt
động cách mạng ngày càng đông đảo, góp phần xây dựng lực lượng chuẩn bị Tổng
khởi nghĩa giành chính quyền.
Giai đoạn 1941 - 1945: Đoàn Phụ nữ Cứu
quốc được thành lập ngày 16/6/1941 để vận động các tầng lớp phụ nữ gia
nhập Mặt trận Việt Minh, gia nhập các đoàn thể
cứu quốc đánh Pháp, đuổi Nhật, xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng, đóng góp lớn
vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.
Giai đoạn 1946 -
1954: Ngày 3/10/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc
Kháng đã ký Nghị định cho phép thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt
Nam. Hội chính thức được thành lập gồm nhiều đoàn thể phụ nữ trong đó Đoàn Phụ
nữ Cứu quốc là tổ chức nòng cốt, hoạt động trong khuôn khổ là một tổ chức thành
viên của Hội LHPN Việt Nam. Hội LHPN Việt Nam đã bằng mọi nỗ lực vận động chị
em phụ nữ tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động chính trị, kinh tế, văn
hóa, xã hội, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Giai đoạn 1954 -
1975: Theo quy định của Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương,
Việt Nam bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau, miền Bắc
xây dựng CNXH, miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thống nhất
đất nước. Ngày 8/3/1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam được
thành lập với vai trò tập hợp phụ nữ miền Nam Việt Nam đoàn kết trên
mặt trận giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tổ chức Hội phụ nữ
hai miền Nam Bắc thực hiện những nhiệm vụ, hoạt động phù hợp với từng miền và
cùng hướng tới mục tiêu chung là đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ,
đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Đồng thời, tổ chức Hội hai miền phát
động phong trào riêng, có tác động lan tỏa và sâu rộng trong các cấp Hội phụ
nữ.
Sau chiến thắng mùa
xuân năm 1975, thực hiện Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc
thống nhất các đoàn thể nhân dân, từ ngày 10-12/6/1976, Hội nghị Thống nhất Hội
LHPN toàn quốc được tổ chức. Hội nghị đã nhất trí quyết nghị: Thống nhất sự chỉ
đạo hoạt động của Hội LHPN trong cả nước trong một tổ chức là Hội LHPN Việt
Nam. Hội nghị cũng quyết định lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập
Hội LHPN Việt Nam. Đến năm 2010, tại thông báo số 382-TB/TW ngày
15/10/2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư đồng ý lấy ngày
20/10 hàng năm là ngày Phụ nữ Việt Nam.
Hội LHPN thị trấn Thạch Giám tổ chức Hội thi Dân vũ năm 2022
Phát huy truyền
thống phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu đảm đang” bước
vào công cuộc đổi mới đất nước. Hội LHPN thị trấn Thạch Giám đã nhanh
chóng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp với nhiệm
vụ của giai đoạn mới đáp ứng nhu cầu nguyện vọng bức thiết của các
tầng lớp phụ nữ, các phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời
đại mới”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Chung tay
xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phát động, triển khai có hiệu
quả chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ trẻ em mồ côi dưới 14 tuổi có hoàn cảnh khó
khăn; tham gia tích cực công tác vệ sinh môi trường: xây dựng chăm sóc các
tuyến đường hoa xanh, quang, sạch đẹp; hiệu quả thiết thực từ các mô hình Ngôi nhà
xanh thu gom phế liệu nhựa gây quỹ ủng hộ phụ nữ, trẻ em khó khăn … góp phần
nâng cao ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường, đồng thời khơi dậy
tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng... Các chương trình công tác
trọng tâm của hội đã có tác dụng động viên, thu hút đông đảo các tầng lớp phụ
nữ tham gia đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội, xứng
đáng là phụ nữ Việt Nam thời đại mới “Có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe và có
trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, đất nước”. Với những thành tích và sự đóng góp thiết thực của phong trào phụ nữ
trong suốt 94 năm qua, Hội LHPN thị trấn Thạch Giám, các tập thể, cá nhân, cán
bộ hội viên đã được TW Hội LHPN Việt Nam, UBND các cấp, Hội LHPN huyện tặng
nhiều bằng khen, giấy khen.
BCH Hội LHPN thị trấn Thạch Giám khen thưởng hội viên phụ nữ tiêu biểu năm 2023
Hội LHPN thị trấn Thạch Giám hỗ trợ con giống thoát nghèo cho hội viên
Ban
chấp hành Hội LHPN thị trấn Thạch Giám luôn ghi nhận, tự hào và chân thành cảm
ơn những đóng góp quý báu của chị em và tin tưởng rằng cùng với các cơ chế
chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy
Đảng, chính quyền các cấp đối với phụ nữ, trong thời gian tới, phụ nữ Việt
Nam nói chung và cán bộ, hội viên phụ nữ Thạch Giám nói riêng sẽ có nhiều điều
kiện, cơ hội và không ngừng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng,
kỹ năng nghề nghiệp, tri thức khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu công tác
trong thời kỳ mới ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nhân
kỷ niệm 94 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam, BCH Hội LHPN thị trấn Thạch
Giám xin gửi tới những người bà, người mẹ, cùng toàn thể chị em phụ nữ những
lời chúc tốt đẹp nhất; mãi mãi đại diện của vẻ đẹp đằm thắm và dịu dàng của
người phụ nữ Á Đông, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho một gia đình yên ấm,
hạnh phúc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển quê
hương, đất nước./.